Bài phát biểu của TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị LienVietPostBank, tại Hội thảo “CEO và bài học đắt giá trong tiến trình phát triển Doanh nghiệp” tại Hà Nội ngày 6/12/2013.
Trước hết tôi xin cảm ơn Tạp chí Kinh tế & Dự báo, Học viên Doanh nhân GED và Viện Phát triển Doanh nghiệp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức buổi hội thảo ý nghĩa trong đúng thời điểm phù hợp này.
Tôi rất vui khi nhận được lời mời tham dự buổi hội thảo và tôi tâm niệm rằng, mình đến đây không phải để làm một diễn giả như đã giới thiệu mà tôi đến đây chính là để học. Bởi tôi coi những chuyên gia, những vị khách quý tham dự chương trình hôm nay là những người thầy của mình dù họ chưa một lần giảng bài cho tôi nhưng mỗi lần gặp gỡ, nói chuyện, thậm chí là đi dạo cùng một đoạn đường, cùng ngồi uống một ly cafe tôi đã học được rất nhiều vì chỉ một câu nói, một ý tưởng vu vơ của ai đó (như chuyên gia Võ Trí Thành chẳng hạn) lập tức tôi hình thành được ngay một đề tài, đề án và có bao nhiêu việc để làm…
Về Dự báo kinh tế năm 2014
Quay trở lại với chủ đề đầu tiên của buổi hội thảo: Bức tranh kinh tế 2014 sẽ như thế nào? Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã đưa ra rất nhiều thông tin hữu ích và nhận định của bà về vấn đề này: “Tình hình kinh tế thế giới sẽ có những khởi sắc trong năm 2014, tăng trưởng toàn cầu về cơ bản đang trên đà phục hồi. Ở Việt Nam, nền kinh tế vĩ mô đã có những dấu hiệu tốt lên, lạm phát đang ở mức kiểm soát (CPI dự báo cả năm khoảng 6%). Tuy nhiên, nhiều rủi ro vẫn còn tiềm ẩn đòi hỏi không được chủ quan.”
Về cơ bản tôi đồng tình với chia sẻ của bà, song cá nhân tôi có một suy nghĩ hơi khác vì tôi cho rằng kinh tế năm 2014 sẽ là năm giữ để không đổ bể, năm 2015 là năm để chúng ta ổn định và năm 2016 – 2017 kinh tế sẽ phát triển. Trong mấy năm qua, có gần 55.000 doanh nghiệp đã giải thể và ngừng hoạt động, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Năm tới, Doanh nghiệp nào thuộc loại hình này còn tồn tại thì sẽ không đổ bể nữa vì đã vượt qua được khó khăn và vươn lên. Nhưng sự đổ bể này có thể sẽ xảy ra với các doanh nghiệp lớn và nếu có thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng vì nó có thể gây nên hiệu ứng domino diện rộng.
Một trong những biện pháp giữ những thành quả thời gian qua, theo tôi là chưa thể áp dụng thông tư 02 (Quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) vì nếu thời điểm này siết thông tư 02, sẽ bị đổ bể hàng loạt. Doanh nghiệp “chết” rồi đến lượt Ngân hàng. Tôi lấy ví dụ, một doanh nghiệp đang có khoản vay 1 tỷ đồng tại ngân hàng, trước đây, đến hạn phải trả một khoản gốc nếu không trả được thì ngân hàng gia hạn và giữ nguyên nhóm nợ như cũ (theo QĐ 780 v/v phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ). Nhưng khi áp dụng thông tư 02, nếu doanh nghiệp không trả được dù chỉ một đồng tiền lãi (hoặc 1 đồng tiền gốc) đến hạn phải gia hạn nợ lần đầu tiên thì toàn bộ dư nợ gốc 1 tỷ đồng cũng bị chuyển nhóm thành nợ xấu (nhóm 3). Như vậy, một loạt các khoản nợ của các doanh nghiệp sẽ chuyển thành nợ xấu ngay lập tức tại thời điểm áp dụng thông tư 02. Có những khoản chưa xấu (bởi chậm trả lãi gia hạn nợ trong thời điểm này là chuyện thường ngày của doanh nghiệp khi nền kinh tế đang gặp khó khăn chung) nhưng sẽ thành rất xấu vì doanh nghiệp bị tê liệt, có nợ xấu không được vay vốn kinh doanh... Nếu áp dụng thông tư 02 vào tháng 6 cũng đồng nghĩa với việc tiếp tục trói doanh nghiệp lại, dồn doanh nghiệp, ngân hàng và cả nền kinh tế vào ngõ cụt, hết cơ hội phục hồi và làm phát sinh nợ xấu ồ ạt, doanh nghiệp không những không thể hồi phục được mà còn xảy ra sự đổ bể của doanh nghiệp lớn. Nếu các doanh nghiệp lớn có vấn đề thì hậu domino sẽ gây hậu quả nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần chúng ta chứng kiến trong những năm trước cộng lại. Cái được duy nhất là “cái tiếng gọi là chuẩn mực quốc tế mà các tổ chức tài chính thế giới đang quan tâm”, liệu đánh đổi như vậy có nên chăng??? Hậu quả này chắc chắn nhà hoạch định kinh tế nào cũng biết nhưng việc tiếp tục gia hạn thông tư 02 có lẽ phải có ý kiến quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đơn phương Thống đốc NHNN Việt Nam khó mà quyết định được bởi liên quan đến vấn đề quốc tế. Điều quan trọng hơn cả là lúc lâm nguy đối với nền kinh tế quốc gia “mình phải tự cứu mình”.
Nói đến đây, chúng ta có thể liên tưởng tới những rủi ro, bất định mà anh Võ Trí Thành đã chia sẻ rất nhiều trong phần cơ hội và thách thức với doanh nghiệp. Thế nhưng tôi lại nghĩ đến những yếu tố tích cực hơn. Tuy rằng, "Đời như bãi cát, sóng vỗ không ngừng chẳng để ta yên”, luôn có những bất ngờ trong cuộc sống, đôi khi "chính sự bất ngờ cũng không ngờ tới". Cốt lõi của cái mới chính là bất ngờ. Có bất ngờ mới có cái mới thú vị cho nên bất định, rủi ro, bất ngờ đôi khi đối với tôi lại là “may quá”. "May quá” chúng ta mới có điều kiện để nhìn nhận lại mình. Đúng là thời gian qua kể cả năm tới, chúng ta đang sống trong nguy cơ của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng tôi nghĩ rằng trong “nguy” có “cơ”, cơ hội luôn luôn trước mắt chúng ta. Chúng ta phải biết sợ rủi ro nhưng nếu quản trị được rủi ro sẽ có siêu lợi nhuận. Hãy nhớ, khi cuộc sống ném cho ta quả bóng xoáy, hãy nghĩ là cuộc sống đang trao tặng cho ta một món quà đặc biệt, một thử thách không chỉ có ý nghĩa nhắc ta tỉnh táo, mà còn là cách cuộc sống mang đến cho ta những ngạc nhiên thú vị.
Bài học cho Doanh nghiệp trong tiến trình phát triển
Hơn hai chục năm gắn bó với ngành Ngân hàng – Tài chính, hơn 6 năm cùng với Anh Dương Công Minh gây dựng và phát triển LienVietPostBank. Từ những trải nghiệm của mình, chúng tôi rút ra những bài học sau cho chính Ngân hàng của mình:
1. Mình biết mình là ai, đang đứng ở đâu, cần gì và rất cần gì: Chúng tôi xác định rất cần cái gì mới làm, ví dụ như sau khi sáp nhập Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện vào Ngân hàng, chúng tôi không chỉ cần mạng lưới hơn 13.000 điểm giao dịch mà chúng tôi rất cần cái phía sau mạng lưới đó, chính là góp phần biến LienVietPostBank với chiến lược cũ “đầu tư – bán buôn – bán lẻ - kinh doanh đa năng” trở thành LienVietPostBank với chiến lược mới “bán lẻ và trở thành Ngân hàng của mọi người”, thu hút được các dự án tài chính vi mô. Khi có mạng lưới trải rộng khắp cả nước sẽ làm tốt hoạt động chi trả bảo hiểm xã hội, dịch vụ thu tiền điện, tiền nước, thu thuế hải quan, phát triển hoạt động thanh toán trên toàn quốc, làm bạn với nông dân và tạo được nguồn vốn khổng lồ trong hoạt động thanh toán.
2. Xác định mục tiêu, tìm nhiều con đường: Trong cuộc sống, con người chúng ta phải biết tìm nhiều con đường, nhưng chỉ lựa chọn 2 con đường đơn giản nhất, phù hợp với mục tiêu cụ thể... Đối với tôi, trong cuộc sống và kinh doanh luôn có phương án 2 trong mọi lĩnh vực, khi quyết định việc gì phải lường trước hậu quả xấu nhất là gì, có chịu được không, mới quyết định thực hiện. Tuy nhiên, vẫn phải có một phương án dự phòng.
3. Biết mình là ai, đang đứng ở đâu để đi thăng bằng trên mặt đất, không sống viển vông, không bao giờ tự cho mình là siêu nhân, cái gì cũng biết... Đây là điều cực kỳ khó khăn với mỗi con người, đối với bản thân tôi cũng vậy. Một trong những bí quyết của tôi đó là: Một ngày ít nhất dành ra 15 phút để suy ngẫm về những “cái ngu” của chính mình, nhưng đúc kết 10 năm rồi vẫn thấy còn ngu vì đơn giản không cái ngu nào giống cái ngu nào... Trong cuộc sống đó cũng là điều bình thường vì áp lực phát triển và đổi mới nên việc làm tiên tiến của ngày hôm nay có thể trở thành lạc hậu của ngày mai. "Kinh nghiệm là người thầy nhưng thường lại là người thầy lạc hậu". Trong mọi công việc, suy nghĩ thì có thể "cố suy nghĩ" nhưng hành động thì chỉ nên “cố” chứ không nên “quá” vì "cố quá" dễ dẫn đến "quá cố - chết". Nên doanh nghiệp đôi khi cần chớp cơ hội buộc phải phát triển nóng nhưng không được nóng quá, như vậy sẽ không biết mình đang đứng ở đâu và phải làm gì, đừng để tình trạng của những người, doanh nghiệp xuất phát điểm thấp, lúc yếu lại mắc bệnh “hoành tráng” thì sơ sẩy sẽ rơi vào tình trạng “con sãi ở chùa lại quét lá đa" quay về xuất phát điểm ban đầu vì “xây 3 năm đốt một giờ”.
4. Đổi mới và mới đổi: Chúng tôi xác định tại LienVietPostBank là mỗi con người phải luôn đổi mới tư duy. Đổi mới cái cốt lõi chính là muốn “mới”, phải “đổi”. Do đó, nếu người đó không tự đổi mới mình thì đổi ngay con người đó. Ở LienVietPostBank, trí tuệ được đặt lên là yếu tố quan trọng nhất, là yếu tố hàng đầu. Vì vậy, chúng tôi kiên quyết tìm bằng được những người phù hợp, có tâm huyết và làm được việc. Đồng thời luôn tạo môi trường làm việc tốt cho họ.
5. Gần mà xa, xa mà gần: Kinh nghiệm của chúng tôi là việc gì không quan trọng thì giao hẳn cho cấp dưới, đôi khi không cần quan tâm vì nếu một lãnh đạo việc gì cũng làm, cũng quan tâm vì không tin tưởng cấp dưới thì đó là lãnh đạo giỏi về kỹ thuật chứ không phải giỏi về chiến lược, chỉ phù hợp với “sản xuất nhỏ”. Tuy nhiên, đối với các việc quan trọng phải sát sao đến từng milimet trong công việc. Ví dụ như tại Hội nghị “Giải pháp cho vay nông nghiệp, nông thôn có bảo hiểm lãi suất tại Đồng bằng sông Cửu Long” mà LienVietPostBank tham gia tổ chức vừa qua, để đưa ra được một trong những giải pháp phát triển kinh tế đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), tôi đã đến Kiên Giang, An Giang trước 3 ngày hội nghị diễn ra và đi xuống từng hộ nông dân, từng nhà máy sản xuất gạo mới đúc kết ra được rằng: phải phá được 3 "cái độc" do là: độc canh (phải tích tụ ruộng đất), độc ác (cho vay nặng lãi), độc quyền (xuất khẩu gạo) thì kinh tế ĐBSCL mới phát triển được, phát huy tốt thương hiệu “bát cơm Châu Á”.
6. Văn hóa làm việc của LienVietPostBank là: “ít họp – họp ít – hiệu quả nhiều”. Cuộc sống, công việc chỉ đúc kết ra những bài học, tôn chỉ cốt lõi, đơn giản để tổ chức thực hiện dễ dàng, chẳng hạn: Chúng tôi đúc kết 18 chữ vàng trong quản trị điều hành: "Tâm huyết – đổi mới – đoàn kết – lắng nghe – thấu hiểu – bàn bạc – quyết định – quyết liệt." Trong đó chúng tôi nhấn mạnh yếu tố quyết liệt, bởi nếu chúng ta đã đi đến quyết định làm mà không quyết liệt sẽ bỏ mất đi nhiều cơ hội và từ đó sẽ không đạt được kết quả như mong muốn.
7. Phải xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp(VHDN): Đó chính là một tài sản vô hình nhưng luôn hiện hữu của doanh nghiệp. Chính vì thế, muốn mạnh, muốn đủ sức để cạnh tranh với thế giới, các doanh nhân lãnh đạo của Việt Nam không thể không xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp. Tại LienVietPostBank chúng tôi đưa ra các tôn chỉ văn hóa:
- Slogan “Liên kết phát triển”: LienVietPostBank ra đời năm 2008, đúng vào thời kỳ khá rối ren trong đời sống kinh tế do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lẫn điều hành vĩ mô của chính phủ. Vì thế chúng tôi đưa ra tôn chỉ “liên kết phát triển” – có nghĩa phải nắm tay nhau lại, liên kết sức mạnh việt thì mới vượt qua khó khăn và phát triển được.
- “Gắn xã hội trong kinh doanh” là phương châm hoạt động mang tính lâu dài của LienVietPostBank. Trước khi đưa ra một quyết định quan trọng phải luôn suy nghĩ “ích nước rồi mới đến lợi nhà” và “lợi nhà mình nhưng không được cố tình làm hại nhà khác”... vì một điều đơn giản nhưng ý nghĩa là chúng ta sống ở xã hội nào thì phải biết phục vụ tốt xã hội đó, đấy vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi. Bởi vậy, song song với việc phát triển có hiệu quả các hoạt động kinh doanh, LienVietPostBank cam kết tích cực đóng góp cho cộng đồng và xã hội thông qua các hoạt động xã hội trực tiếp, các hoạt động tài trợ, các phong trào từ thiện, từ đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội của mỗi thành viên trong “Đại Gia đình” LienVietPostBank.
- Đối với thương trường: "Chỉ có đối tác, không có đối thủ" LienVietPostBank luôn đồng hành với các Ngân hàng đi trước để chia sẻ kinh nghiệm, đồng tài trợ các dự án. Đồng thời luôn đồng hành cùng Agribank để cố gắng để phục vụ tốt nhất cho ân nhân của Ngân hàng – chính là những người nông dân.
- Đối với CBNV: Đây là sức mạnh của Ngân hàng. Vì thế hiện nay dù rất khó khăn, LienVietPostBank vẫn duy trì phương châm với cán bộ nhân viên là “sống bằng lương, giàu bằng thưởng”. Mấy năm khó khăn vừa qua, duy nhất có LienVietPostBank là không giảm lương, chỉ có đổi mới biên chế chứ không giảm biên chế.
- Ba điều hướng tâm của LienVietPostBank: "Không có con người, dự án vô ích; Không có Khách hàng, Ngân hàng vô ích; Không có Tâm - Tín - Tài - Tầm, " LienVietPostBank vô ích.
Nói về VHDN, Tôi có một kinh nghiệm chia sẻ với các bạn đó là nếu bạn chưa kịp có thông tin gì khi đến một tổ chức hoặc chưa đọc được cáo bạch với một doanh nghiệp, chưa biết gì về người đứng đầu thì bạn nên đánh giá qua việc tiếp cận 3 điểm: "bảo vệ, lễ tân, nhà vệ sinh" như thế nào là bạn đã có thể biết được cơ bản văn hóa của người đứng đầu cũng như một phần VHDN của tổ chức đó. Bởi việc lớn đều bắt nguồn từ những việc nhỏ mà thành. Như tôi đã nói, ở Việt Nam VHDN phụ thuộc rất nhiều vào văn hóa của người đứng đầu. Vì vậy nhà lãnh đạo doanh nghiệp được ví như vị thuyền trưởng in đậm dấu ấn cá nhân lên toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp. Khi văn hóa của người lãnh đạo và văn hóa doanh nghiệp hòa quyện vào nhau sẽ làm nên sức mạnh của doanh nghiệp. Chính vì thế, muốn mạnh, muốn đủ sức để cạnh tranh với thế giới, các doanh nhân lãnh đạo của Việt Nam không thể không xây dựng những nét văn hóa trên, đi từ những điều bình thường trong gia đình nhỏ, đến những nguyên tắc nghiêm nghặt của một doanh nghiệp - gia đình lớn.
8. Để thành công trong cuộc sống, tôi đã đúc kết mỗi cá nhân phải hội tụ "10 chữ M": Mồ mả (âm dương, phong thủy) – Miệt mài (không dưng ai dễ đem phần cho ta)– Mưu mẹo (Bố tôi trước khi ông qua đời đã nói với tôi : “người ta gọi là thế gian chứ không ai gọi là thế ngay con ạ”) – Mạnh mẽ (phải quyết liệt) - May mắn (cuộc sống rất cần sự may mắn (thiên thời địa lợi nhân hòa)).
9. Doanh nghiệp Việt Nam phải thuần thục cơ chế thị trường và cơ chế xã hội chủ nghĩa. Thiếu một trong hai điều cốt yếu trên trong nhận thức và hành động sẽ khó mà phát triển được. Cơ chế thị trường tức là: phải nghiên cứu tuân thủ các quy luật kinh tế khách quan và biết đổi mới theo thực tế thị trường. Xã hội chủ nghĩa là phải nắm chắc đường lối của đảng, dự báo được cơ chế (thị trường, biện pháp hành chính) và ko thể quên thuần phong mỹ tục của Việt Nam...
10. " 7 vần ệ " với tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam: Trí tuệ ,Tiền tệ, Công nghệ, Luật lệ, Đồ đệ, Mặc kệ. Trong đó, trí tuệ là hàng đầu và đôi khi phải biết “mặc kệ” vì xã hội phức tạp mà chúng ta chưa phải là người toàn diện, tròn trịa cho nên ko thể nhìn thấy cái gì cũng lao vào, nghe thấy cái gì cũng muốn can thiệp. Nhưng nếu đã thấy chắc chắn tới 99% thì phải biết quyết định và làm quyết liệt mặc kệ sự dèm pha.
Hy vọng rằng những bài học nho nhỏ được đúc kết từ kinh nghiệm hạn chế của tôi không những là điều thực sự có ích với tôi mà cũng sẽ có ích với các bạn.