Alan Phan - Năm mới

Đổi mới nào cũng sẽ gây phiền toái và thử thách. Trong lịch sử thế giới hay các kinh nghiệm cá nhân qua sách vở, nhiều đổ vỡ đã xảy ra khi nội bộ quá thoải mái với hiện tại hay quá khứ, mà bỏ quên tương lai.

"Người giàu và quyền thế nghĩ rằng đất nước này thuộc về họ; mặc dù họ chưa bao giờ đóng góp gì để có quyền hưởng thụ đó. The rich think this land is theirs though they have never earned the right to call it theirs.” ― Maaza Mengiste

Trong một xã hội đa dạng, hành xử của từng cá nhân luôn khác nhau, dù hoàn cảnh có tương tự. Nhờ vậy, chúng ta mới có được một bức tranh đẹp (hoặc xấu) với nhiều mầu sắc để thưởng ngoạn.

Tôi nhớ những ngày qua Trung Quốc vào đầu 1976, tôi chưa bao giờ thấy một môi trường “xám xịt” như vậy, như một cỗ máy chạy mệt mỏi dưới hầm những nhà máy cũ, sắp phế thải. Từ áo quần người dân, kiểu tóc, âm thanh ngoài phố…cho đến những thể hiện lo âu, chán nản…hiện lên qua những ánh mắt gần như không còn sức sống của một đạo quân zombies, Trung Quốc thực sự nằm ngoài hành tinh.  Ở mặt khác, xã hội càng năng động, thay đổi, thì xử trí tương tác lại phức tạp, khó đoán.

năm mới,
TP.HCM đón năm mới. Ảnh: VietNam Plus

Những ngày cuối năm tại Việt Nam, người thì lo tổ chức tiệc tùng ăn nhậu để tạm biệt năm cũ, có lẽ họ ăn nhậu chưa đủ trong 2013 nên phải làm thêm vài cú chót. Người thì lo kết toán sổ sách coi năm vừa rồi tài sản bốc hơi bao nhiêu; hay lộc trời bất ngờ cho thêm ít nhiều (thực ra họ biết rất rõ, vì lương thì họ không quan tâm, nhưng “lậu” thì dự đoán chính xác từng xu). Người thì suy tư về một năm mới sẽ đem lại những hy vọng gì, hay cũng cũng nhiều thất vọng như năm cũ. Người thì vô tư, vẫn lên Net đều đặn xem có siêu mẫu hay chân dài nào có lỡ làm đứt nút áo nút quần để còn load hình lên Facebook. Các bà cô tiền bạc rủng rỉnh  thì có thêm lý do để shop vì cuối năm hàng sale nhiều quá.

Riêng các phóng viên thì ráo riết săn đuổi phỏng vấn ông già Alan vì cha này có nhiều suy nghĩ ngược đời có thể câu khách được. Tựu trung, đáng lẽ là những ngày thư giãn toàn diện để thu thêm năng lượng cho năm mới thì mọi người lại tất bật làm việc nhiều hơn lệ thường.

Nghị quyết và hy vọng mới

Nhưng dù thế nào ai cũng đều có những “nghị quyết” rất hoành tráng (các chính trị gia thì có tuyên ngôn, thông điệp) để lên một kế hoạch thật tươi đẹp cho mọi vấn đề trong năm mới. Tôi nhớ một thống kê đâu đó là 42% dân số trưởng thành của Mỹ thích lập ra những “resolutions” vào ngày đầu năm cho mình và gia đình, xác định những mục tiêu phải đạt về tiền bạc, nghề nghiệp, học vấn, sức khoẻ, giải trí…Tuy nhiên, đến cuối tháng giêng, thì 97% các nghị quyết này đều cuốn theo chiều gió. Thói quen vẫn là một lực quán tính khó thay đổi.

Các bạn phóng viên thường nhờ tôi bình luận về các “nghị quyết” của chánh phủ, quan chức và doanh nghiệp vì họ cho đây là một đề tài có thể ảnh hưởng rất lớn đến tương lai kinh tế, chính trị, xã hội hay văn hoá của cả một dân tộc. Câu trả lời đầu môi của tôi là các bạn hãy thư giãn. Mọi việc thường xẩy ra như “chiếc lá giữa dòng sông lớn” mặc cho cả trăm ngàn nghị quyết đầu năm. Họ hỏi về nợ xấu, nợ công, DNNN, ngân sách, tỷ giá, vàng, BDS, FDI, TPP… Đề tài khác nhau; nhưng thực ra cái nhìn tổng thể của tôi luôn dựa trên những nguyên lý tự nhiên của đời sống, suy nghĩ khoa học, logic…nên dễ đoán biết. Nó không có gì bí ẩn hay phức tạp như các chuyên gia thích thêu dệt.

Những nguyên lý ảnh hưởng đến sự vận hành của một cá nhân hay xã hội đều rất giống nhau:

1. Đừng hoang tưởng về “bất chiến tự nhiên thành”

Trong kỳ bí của luân sinh vũ trụ, có những tình cờ xẩy ra trong tình huống, sự kiện mà có lẽ chỉ những nhân vật huyền thoại của lịch sử (nhất là chuyện cổ Tàu) mới điều khiển và giải thích được. Hiện nay, nhân loại phần lớn bị chi phối bởi một nền khoa học hợp lý và các định luật của thiên nhiên. Nguyên lý ai cũng phải đồng ý là nếu mình cứ tiếp tục làm các việc đang làm, thì trong tương lai, xa hay gần, chúng ta sẽ thâu lượm những kết quả tương tự như chúng ta đang nhận. Phép mầu chỉ hiện thực vài ba lần trong đời người và cái khoa học gọi là “con thiên nga đen”; các ngài bói toán gọi là “vận số tốt”.

Khi lên kế hoạch cho cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng hay xã hội, chúng ta thích mơ tưởng về những giúp đỡ của thần linh, thánh gióng.. thay vì các con số, kỹ năng, thực tế của môi trường và các cơ hội rủi ro tiếm ẩn. Tôi thực sự lo ngại khi các đại gia, quan chức…thích tham gia các cúng bái đền chùa, lên đồng hay tin vào tư vấn của các nhà ngoại cảm hơn là “xắn tay áo và hành động”.

2. Nói dễ hơn làm. Nghe nói, nhưng chỉ vỗ tay khi hành động đi theo như lời nói.

Đó cũng là lý do chính đa số chúng ta thích (và hay khuyên con) làm giáo sư, quan chức, chính trị gia, chuyên viên bán nước bọt từ các phi vụ chạy áp-phe, dự án, giấy tờ thủ tục…trong đủ mọi ngành nghề của nền kinh tế. Nhìn số lượng quán cà phê, quán nhậu, văn phòng chánh phủ…tại Việt Nam so với các quốc gia khác, có lẽ chúng ta chiếm “top ten” trên thế giới về chém gió.

Các doanh nhân, những chuyên viên kỹ thuật hay mọi người thợ tại các xưởng, thành công hay chưa, đều phải làm. Hỏi bất cứ ai, họ đều chia sẻ về những thử thách và khó khăn phải đối diện hàng ngày. Thất vọng và thất bại luôn đe doạ. Ngoài cái giá phải trả về sức khoẻ, tinh thần, hạnh phúc gia đình, danh tiếng, tiền bạc…cái giá lớn nhất là thời gian. Rất ít người thành công “overnight” (trừ khi trúng số độc đắc). Ngay cả khi ca tụng sự thành công nhanh chóng của Facebook, ít ai nhận ra rằng quy trình để đến IPO phải tốn Zuckerberg cả 8 năm vất vả.

3. Muốn có giải pháp, phải hiểu rõ vấn đề

Có hai khó khăn lớn khi đưa ra giải pháp cho các vấn đề quan trọng của kinh tế Việt Nam như nợ xấu, nợ công, DNNN, BDS, tỷ giá, FDI, TPP…hay ngay cả ngân sách, việc tái cấu trúc, thay đổi cơ chế, nhân sự quản lý. Một là các số liệu. dữ kiện thường mâu thuẫn vì lợi ích cùa các phe nhóm khác nhau. Họ là những người nắm giữ những tài liệu này; và chuyện dấu diếm là bình thường. Hai là chúng ta không được phân tích qua mọi góc nhìn, dù khách quan hay chủ quan, vì những vùng cấm kỵ, nhậy cảm…đã được pháp luật rào lại.

Thử tưởng tượng, một bác sĩ chuẩn bệnh cho bệnh nhân nhận 3, 4 kết quả khác nhau về các thử nghiệm; rồi lại bị cấm đụng đến gần như 80% các phần thân thể. Chỉ một kết luận: bỏ nghề đi làm …thầy bói.

4. Mọi sửa đổi phải bắt đầu từ nội tại.

Trước hết là tư duy và bản thân của người đang nắm giữ quyền lực của việc thay đổi. Sau đó đến sự đồng ý của mọi phe nhóm đang ủng hộ mình. Đây thường là một sứ mệnh bất khả thi, nhất là tại các tổ chức phức tạp và lâu đời.

Cách đây sáu tháng, Tập Cận Bình có “quyết liệt” đổi mới cơ chế của kinh tế Trung Quốc theo các quy luật thị trường để cạnh tranh hữu hiệu hơn trên toàn cầu. Sau một loạt các nghị quyết hành chánh rất ấn tượng, mọi việc đã im lặng như cũ. Ông đã thất bại trong việc “hành” vì không lấy được đồng thuận của các nhóm lợi ích trong phe nhóm. Hiện tượng này còn có tên là “bứt dây động rừng” trong dân gian.

Năm 1977, Đặng Tiểu Bình, dù chưa chắc đã giỏi hơn, đã thực hiện được một cách mạng đổi mới cơ chế kinh tế của Trung Quốc. Lý do đơn giản là họ Đặng không phải đối đầu với các nhóm lợi ích nhiều quyền lực. Kinh tế Trung Quốc lúc đó còn quá nghèo, GDP thua cả những xứ nhỏ hơn như Đài Loan, Hồng Kông…

Một thí dụ gần đây là sự kiểm soát quyền lực của Kim Jong Un xứ Bắc Triều Tiên. Sau khi hành quyết ông dượng Jang, các nhóm lợi ích gần như biến mất (hoặc bị xử tử hoặc đào thoát ra nước ngoài).

5. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

Một doanh gia Mỹ có nói, ‘bạn cho tôi biết 10 người bạn thân thiết quanh bạn, tôi sẽ mô tả chính xác đến 80% bản thân, cá tính và hoàn cảnh của bạn”. Suốt ngày cứ tụ tập với bọn du thử du thực thì khó mà tưởng tượng bạn có thể là người đang quản lý một doanh nghiệp tầm cỡ, chính thống. Các bạn bè bà con của bạn toàn là dân khố rách áo áo ôm, thì không ai hình dung bạn là một đại gia hay người thành công về tài chính.

Các quốc gia khôn ngoan cũng biết chọn bạn mà chơi. Sau những đổ nát tiêu điều trong Thế Chiến Thứ Hai, Nhật và Âu Châu đã đi theo đàn anh Mỹ để 25 năm sau, tạo dựng những nền kinh tế siêu cường. Bài học đó được Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore..sao y để tạo những thành quả tương tự. Gần đây, Nga và các nước Đông Âu cũng bắt đầu quy trình.

Đổi mới nào cũng sẽ gây những phiền toái và thử thách. Trong lịch sử thế giới hay các kinh nghiệm cá nhân qua sách vở, nhiều suy sụp và đổ vỡ đã xẩy ra khi nội bộ quá thoải mái với hiện tại hay quá khứ, mà bỏ quên tương lai. Có lẽ chúng ta cũng không nhiều lựa chọn, nhưng đôi khi con người và tập thể thích bám víu vào “lá số tử vi” thay vì hành xử theo kế hoạch khoa học.

  • Alan Phan

 T/S Alan Phan hiện đang điều hành 1 công ty tư vấn chiến lược và M&A tại California.  Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999.  Website cá nhân của ông là www.gocnhinalan.com,