Mỹ phẩm trắng da khiến dân Thái tranh cãi sôi sục

Một quảng cáo kem làm trắng da đang tạo nên cuộc tranh luận gay gắt ở Thái Lan, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi rằng phải chăng sở hữu một làn da trắng sáng hơn sẽ giúp họ được coi trọng và có địa vị xã hội cao hơn.


Một phụ nữ Thái Lan đứng phía trước tấm biển quảng cáo sản phẩm làm trắng da. Ảnh: AP.

Các trang mạng xã hội ở Thái Lan đang chìm ngập trong cuộc tranh cãi về vai trò của màu da trong xã hội nước này. Các ý kiến bắt đầu xuất hiện sau một quảng cáo gần đây của hãng mỹ phẩm cho loại kem dưỡng trắng da chứa tinh chất ngọc trai, có tên gọi là Citra.

Hãng này đã lên tiếng xin lỗi và gỡ bỏ quảng cáo trên các kênh truyền hình và facebook từ hôm 23/10. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục tổ chức một cuộc thi với phần thưởng lên đến 100.000 bath (tức 3.200 USD) dành cho các sinh viên. Người thắng cuộc là người chứng minh được tác dụng trắng da "siêu việt" của Citra sau khi dùng kem.

Trên pantip.com, một diễn đàn nổi tiếng của người Thái, các thành viên tranh luận về việc liệu hành động của hãng mỹ phẩm trên có vượt quá giới hạn cho phép hay không.

"Thật đáng ghê tởm. Tôi nên làm gì khi mình đã có làn da tối màu từ khi được sinh ra? Liệu tôi có cần phải làm trắng da thì mới có cơ giành được học bổng? Tôi sẽ tẩy chay sản phẩm này ngay từ bây giờ", một thành viên tên Youngest Sister tuyên bố. 

Một ý kiến khác cũng khẳng định "việc phân biệt đối xử với những người có làn da tối màu là không thể chấp nhận được. Đơn giản chỉ là một tông màu da. Citra thật là vớ vẩn”.

Đây không phải là lần đầu tiên người dân Thái Lan có những phản ứng dữ dội như trên. Họ đã nhiều lần sử dụng sức mạnh của các trang mạng xã hội để gây sức ép với những công ty có bán các sản phẩm làm trắng da, buộc họ phải gỡ bỏ quảng cáo.

Năm 2011, tập đoàn Oishi ở Bangkok từng đăng quảng cáo về một thức uống có tác dụng giúp làn da trở nên trắng sáng hơn. Họ đặt các slogan quảng cáo với nội dung “Dành cho người da trắng” ở các ghế ngồi trong các toa tàu của tuyến đường sắt trên cao. Sau khi có những khiếu nại về vấn đề này, các slogan trên đã ngay lập tức bị gỡ bỏ.

Nỗi khát khao da trắng

Theo các nhà nhân chủng học, mối bận tâm về màu sắc của da đã xuất hiện từ rất lâu ở Thái Lan. Điều này có thể được thấy rõ trong cả văn học và những bức bích họa của người Thái. Tông màu da tối hơn thường được quy cho những người nông dân hoặc người làm trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong khi đó, người sở hữu làn da sáng hơn được cho là người giàu có hay địa vị chính trị cao hơn, ví dụ như thương gia hoặc công chức, những người không cần phải làm việc ngoài trời.

Khao khát có được một làn da sáng hơn tác động đến người dân Thái vào đầu thế kỷ 19 bởi dòng người nhập cư Đông Á, nổi trội hơn cả là người Trung Quốc và Nhật Bản, những người có màu da sáng hơn so với người Thái Lan, ông Yukti Mukdawijitra, một giáo sư ngành nhân chủng học tại đại học Thammasat Thái Lan chia sẻ.

Dù có những thời điểm người dân Thái Lan cảm thấy không thích người đến từ Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng sự thành công trong kinh doanh của những người nhập cư này và sức ảnh hưởng của họ đã củng cố thêm mối liên hệ giữa màu da và địa vị trong xã hội, ông Yukti nói.

“Sở hữu một làn da sáng hơn làm cho người ta cảm thấy rằng họ thuộc về một tầng lớp cao hơn, hoặc có được nhiều cơ hội tốt để thăng tiến trong xã hội”, ông nói thêm.

Sự hấp dẫn của một làn da trắng sáng như men sứ lại càng được củng cố thêm bởi giới người mẫu và diễn viên. Trong khi đó, “những người có màu da tối tự nhiên thì lại đang gặp những vấn đề về sự tự tin, tự trọng bản thân. Tình trạng này đang ngày càng phổ biến và trở thành một căn bệnh của cả quốc gia”, ông Yukti nói.

Khi được hỏi về mục tiêu của chiến dịch này cũng như lý do để công ty quyết định sẽ vẫn tiếp tục cuộc thi, người đại diện của hãng mỹ phẩm làm dậy sóng dư luận cho biết: "Những sản phẩm chăm sóc da luôn được người dân Thái ưa chuộng, chúng làm cho người dùng cảm thấy thoải mái, giúp họ tự tin vào bản thân hơn. Chúng tôi cam kết về việc nâng cao đời sống của người tiêu dùng Thái Lan. Chúng tôi luôn tâm niệm phải trao quyền quyết định cho người dùng và không bao giờ xúc phạm hay làm cho khách hàng khó chịu".

Một thành viên của Pantip cũng đưa ra ý kiến bên vực hãng trên: "Công ty này chỉ muốn bán một sản phẩm làm trắng, vì thế mà họ chọn hình ảnh một cô gái da trắng để minh họa. Điều này hoàn toàn là hợp lý và chẳng có sự phân biệt đối xử nào ở đây cả.”

Chanikarn Kittikul, một học sinh trung học 16 tuổi, đã quyết định sẽ dùng thử sản phẩm sau khi xem quảng cáo về Citra.

“Quảng cáo này nhấn mạnh vào sự khác biệt giữa những người phụ nữ có làn da trắng và người có làn da tối màu hết sức rõ rệt”, cô nói. “Chính điều đó đã làm tôi muốn dùng thử, bởi bản thân tôi cũng muốn có một làn da trắng sáng như vậy”